Posted by : Unknown Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Sau cú “đập sàn” trần lãi suất huy động về 9%, Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại còn những con bài nào khác để kích cầu và qua đó kích thích thị trường bất động sản? 

Những ẩn ý của 9%

Như chúng tôi đã nhận định cách đây hai tuần, trong các phương án giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, một kịch bản có thể được tính toán trong “tình thế khẩn cấp” là lập tức kéo hạ trần lãi suất huy động với mức 2%, lồng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn tỏ ra “trơ” với những thông tin tích cực trước đó. Cú dốc xuống trần lãi suất huy động về mức 9% vào cuối tuần trước đã xác nhận cho kịch bản tình huống khẩn cấp trên. Nghe nói đã có khá nhiều tranh luận của một số cơ quan trước khi quyết định giảm 2% được người đứng đầu Ngân hàng nhà nước công bố trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Vì đang trong thời gian họp Quốc hội, ý kiến của một số quan chức trong Thường vụ Quốc hội có lẽ cũng trở nên nặng ký hơn. Trong số đó, loại ý kiến đề nghị chỉ cần giảm trần lãi suất huy động thêm 1% đã có thời điểm tỏ ra chiếm ưu thế. Tuy nhiên, “kết quả chung cuộc” đã thuộc về Ngân hàng nhà nước như chúng ta chứng kiến.

Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại còn những con bài nào khác để kích cầu và qua đó kích thích thị trường bất động sản?

Bầu không khí tín dụng đã được hâm nóng, khác hẳn với cái giá lạnh của năm ngoái. Thế nhưng với bất động sản thì lại khác. Sau ba lần liên tục kéo giảm trần lãi suất huy động, thị trường này vẫn không hề có chuyển biến nào đáng kể. Kể cả lần này nữa, phản ứng của báo giới và giới đầu tư vẫn là hết sức thận trọng chứ không sốt nóng như thời điểm tháng 9/2011, khi Ngân hàng nhà nước lần đầu tiên siết trần lãi suất huy động về 14%. Vấn đề của thị trường bất động sản là độ trơ của nó đã vượt quá sức chịu đựng của nhóm ngân hàng - địa chỉ có thể được coi là “trơ” nhất cho đến nay. Sau cái chết lâm sàng của khối doanh nghiệp địa ốc, đã đến lượt một số ngân hàng rơi vào tình trạng nợ xấu.

Mới đây, trong một báo cáo tình hình tín dụng cho Quốc hội, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lần đầu tiên nêu ra tỷ lệ nợ xấu đã đạt tới “khoảng 10%”. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng qua, tỷ lệ nợ xấu đã tăng đến 3 lần, từ mức 3,3%. 

Nhưng lời trần thuật của thống đốc Bình đã chỉ đến sau khi hàng loạt ngân hàng buộc phải công bố tình hình nợ xấu. Trong số đó, Agribank vẫn là một tiêu điểm đáng chú ý nhất. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là ngay cả những ngân hàng có tên tuổi và có mối quan hệ “ruột rà” với Ngân hàng nhà nước như BIDV, Vietcombank, Eximbank cũng không thoát khỏi cảnh “ôm bom”. 

“Bom” là cái gì vậy? Nếu trong giới đầu tư chứng khoán thường ví von từ ngữ này với chuyện bị kẹp hàng cổ phiếu, thì đối với các ngân hàng, không thể mô tả khác hơn là hàng núi tài sản bất động sản do gán nợ và siết nợ đang không biết làm cách nào tiêu thụ được. Chính vì thế, một số đại biểu quốc hội cũng đang nảy ra ý kiến về việc Ngân hàng nhà nước liệu đã có phương án nào để xử lý số nợ này. 

Mà nợ bất động sản lại chiếm phần lớn trong dư nợ cho vay tại các ngân hàng. Những con số thống kê chắc chắn chưa đầy đủ đã cho thấy dư nợ cho vay bất động sản vẫn vào khoảng trên 200.000 tỷ đồng. Thậm chí, con số từ Ủy ban Giám sát tài chính và tiền tệ quốc gia còn cho thấy con số này lên đến gần 350.000 tỷ đồng. Cũng bởi vậy, nợ xấu bất động sản đã trực tiếp gây ra nợ xấu cho toàn hệ thống ngân hàng, chứ không phải như khẳng định của thống đốc Nguyễn Văn Bình vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011 là nợ xấu bất động sản không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra nợ xấu. 

Điều được coi là vấn nạn như trên càng làm cho thị trường bất động sản trở nên khó hiểu và khó xử lý, nhất là trong bối cảnh liên tục các thông tin được coi là tốt tung ra đã chưa thể kích động được thị trường này. 

Còn con bài nào khác?

Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại còn những con bài nào khác để kích cầu và qua đó kích thích thị trường bất động sản? 

Có thể nói, lần giảm trần lãi suất huy động 2% kỳ này đã có thể là lần cuối cùng trong năm 2012. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước chỉ còn vài ba chất xúc tác khác cho thị trường bất động sản như mở rộng diện áp trần lãi suất cho vay, trong đó bất động sản đương nhiên phải là đối tượng được ưu đãi; chính thức trình Chính phủ hai đề án lập quỹ mua nhà cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình; thúc đẩy và nếu cần thiết thì thúc ép các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với những hợp đồng cũ của khách hàng; và đồng thời, các ngân hàng thương mại phải đồng loạt kéo giảm lãi suất cho vay nói chung và cho vay bất động sản nói riêng. Hiện thời, mới chỉ có hai ngân hàng đi tiên phong trong việc hạ lãi suất cho vay đối với bất động sản là BIDV và Vietcombank. Chính cái phạm vi eo hẹp như vậy đã chưa thể làm cho thị trường ấm lên, dù tín hiệu chính sách đã tràn đầy. 

Tuy vậy, giới đầu tư vẫn có thể trông đợi một sắc thái nào đó khác hơn vào lần này. Khác với ba lần hạ lãi suất huy động trước đây, đợt hạ 2% vừa qua đã có được sự hưởng ứng của cả hai ngân hàng Vietcombank và BIDV. Bởi thế, có hể hy vọng là hiệu ứng lan tỏa từ những ngân hàng này là có thể xảy ra đối với nhóm G14 và sau đó còn lan rộng hơn đến các ngân hàng nhỏ.

Vào đầu tháng 6/2012, “Tuần lễ an cư” một lần nữa lại diễn ra ở TP.HCM. Khỏi phải nói cũng có thể đoan chắc rằng nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia chương trình này đang sốt ruột đến thế nào trước tình cảnh các phân khúc căn hộ và đất nền dự án đều bị ế ẩm. So với lần tổ chức đầu tiên vào giữa tháng 4/2012, “Tuần lễ an cư” lần thứ hai có sự tham gia rộng rãi hơn của các doanh nghiệp, với quy mô cũng lớn hơn. Trong tâm trạng của nhiều chủ đầu tư, không còn cách nào khác, đã đến lúc phải bung hàng, và cũng đã đến lúc phải suy nghĩ đến hành động giảm giá một cách thực chất để có thể tiêu thụ phần nào số sản phẩm tồn ứ. Khoảng thời gian cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay đang chứng kiến hoạt động ra hàng của không chỉ các chủ đầu tư trong Nam mà còn ở Hà Nội. Cùng với chính sách hạ lãi suất và có thể cả chính sách bung tín dụng trong nửa cuối năm 2012, nhiều khả năng sự thành bại của hoạt động bung hàng trong tháng 6/2012 sẽ quyết định đến “vận mệnh” của thị trường bất động sản, theo cái cách “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Popular Post

Lượt truy cập

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Blog Ping Nhà Đất 25 - Designed by Mr Nhật Phạm